3 lời khuyên giúp học sinh tăng cường khả năng tập trung 🧑‍🎓

Sylvia Nguyen

Sylvia Nguyen

3 lời khuyên giúp học sinh tăng cường khả năng tập trung 🧑‍🎓

Trong quá trình dạy học, hẳn việc tìm kiếm những phương pháp để giúp học sinh nâng cao khả năng tập trung là một trong những việc khiến thầy cô đau đầu. Vì có rất nhiều trường hợp trong một lớp học, học sinh có tố chất để học tốt nhưng các em lại mắc bệnh “mất tập trung”.

Theo Harvard Business Review, sự tập trung có thể “luyện tập” được bằng các phương pháp rèn luyện sức khỏe tinh thần đúng cách. Thầy cô hoàn toàn có thể phổ biến cho các em học sinh những phương pháp rèn luyện nâng cao khả năng tập trung này để giúp các em cải thiện việc học của chính mình. Vậy các phương pháp này là gì, mời thầy cô cùng xem dưới đây.

Kỹ thuật thư giãn tâm trí PCD (Positive Constructive Daydreaming)

Đây là một loại kĩ thuật thực hành thư giãn tâm trí, giúp loại bỏ sự căng thẳng và lo âu, từ đó cải thiện sự tập trung sau khi cho phép não bộ được nghỉ ngơi. Mấu chốt trong việc thực hành kĩ thuật này là để cho tâm trí được phép bay bổng nhưng theo hướng tích cực và có tính chất xây dựng sự khỏe mạnh của tinh thần. Để thực hành kĩ thuật, chúng ta cần cho phép tâm trí được thư giãn hoàn toàn, và không cho phép tâm trí quẩn quanh tới những suy nghĩ tiêu cực hay lo âu căng thẳng.

Các chuyên gia gợi ý rằng để thực hiện kĩ thuật này theo cách tốt nhất, ta có thể tận dụng việc tận hưởng những thú vui của bản thân. Ở đây tức là chúng ta sẽ làm một việc gì đó mà chúng ta thực sự yêu thích, và mang tính thư giãn cao. Ví dụ như cắm hoa, thêu thùa, vẽ, viết nhật kí, chơi nhạc,… Tất cả các hoạt động mang tính chất “thảnh thơi” này sẽ giúp tâm trí của chúng ta được gác lại gánh nặng và hoàn toàn thư giãn, bay bổng trong không gian tích cực của chính mình.

Dành thời gian nghỉ cho một giấc ngủ ngắn

Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao khả năng tập trung. Nghiên cứu cho thấy những người không nghỉ ngơi đủ thường dễ bị mất tập trung và hiệu suất học tập hay công việc đều kém hơn so với những người có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, do việc thiếu ngủ sinh ra mệt mỏi và sự trì trệ trong việc xử lý vấn đề của não bộ. Ngoài giấc ngủ sâu vào ban đêm, những giấc ngủ ngắn trong ngày cũng góp phần quan trọng không kém trong việc giúp não bộ tập trung.

Các chuyên gia đã nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng những giấc ngủ ngắn trong ngày (như ngủ trưa) kéo dài khoảng 10-20 phút đóng góp một phần quan trọng trong việc “làm mới” bộ nhớ và từ đó giúp não bộ thoải mái hơn. Vậy nên thầy cô hãy luôn khuyên các em học sinh có ít nhất 10 phút ngủ trưa mỗi ngày thầy cô nhé. Ngoài ra, trước các kì thi căng thẳng, thầy cô hãy cho phép các em có 10 phút “gục xuống bàn” để ngủ vì việc các em học sinh phải thức muộn để học và ôn bài thường xảy ra trong thời gian này. Chắc chắn rằng nếu thầy cô cho phép các em “nghỉ ngơi” dù chỉ là 10 phút giữa giờ cũng sẽ giúp các em rất nhiều để đạt được hiệu quả học tập tốt hơn.

Đứng trên góc nhìn của người thứ ba

Nghe có vẻ rất lạ phải không ạ? Thực tế, khi tâm trí của chúng ta đang trong quá trình sáng tạo hay suy nghĩ để giải quyết một vấn đề thì chúng ta thường bị “mắc kẹt”. Việc mắc kẹt này có nhiều nguyên nhân, nhưng đôi lúc cũng có phần nguyên nhân do chúng ta tập trung suy nghĩ quá lâu khiến não bộ bị kiệt sức. Và việc này sẽ trở thành một nguyên gây ra sự mất tập trung, phản tác dụng ngược lại với ý niệm ban đầu của chúng ta.

Những lúc gặp phải vấn đề này, chúng ta có thể đóng giả thành một người khác, ví dụ có thể là người mà chúng ta nghĩ sẽ có thể có đáp án cho vấn đề chúng ta đang suy nghĩ. Điều quan trọng trong thực hành hoạt động này chính là chúng ta có thể đứng trên góc nhìn khác để nhìn vào vấn đề mà chúng ta đang cần tập trung suy nghĩ và giải quyết. Khi chúng ta đã có ý niệm đứng dưới góc nhìn của một người khác rồi, chúng ta sẽ nhìn vấn đề và giải quyết vấn đề theo phong cách của người chúng ta “đóng giả”. Từ đó, chúng ta sẽ có thêm ý tưởng mới để giải quyết khúc mắc.

Thầy cô cũng có thể khuyên các em thử áp dụng một cách thức tương tự khi các em tập trung suy nghĩ hay tập trung giải quyết bài tập mà không được. Chúng ta có thể cho phép các em “đóng giả” thành chính thầy cô để các em có suy nghĩ từ góc độ của một người dạy. Đó cũng là một cách hay để các em tự hiểu bài nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Sylvia Nguyen

About Sylvia Nguyen

Xin chào! Tôi là Trang Nguyễn, bạn bè quốc tế thường gọi tôi là Sylvia. Tôi thích viết lách và rất yêu thích tìm hiểu, nghiên cứu về những phương pháp giáo dục, học tập hiệu quả. Nếu bạn quan tâm những bài viết của tôi, hãy theo dõi ClassPoint Blog thường xuyên để đón đọc những bài viết tiếp theo nữa nhé! Cảm ơn bạn!

Supercharge your PowerPoint.
Start today.

500,000+ people like you use ClassPoint to boost student engagement in PowerPoint presentations.